Mô hình công – nông nghiệp tích hợp hướng đến sự phát triển bền vững: Mô hình thí điểm tại huyện Chợ Mới, An Giang
Tạp chí: Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Trái Đất và Môi trường
Các tác giả: Trần Thị Hiệu*, Trà Văn Tung, Lê Thanh Hải, Lê Quốc Vĩ, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Trung Kiên, Nghiệp Thị Hồng, Nguyễn Hồng Anh Thư
Tóm tắt: Nghiên cứu này với mục tiêu chính là áp dụng mô hình tích hợp công – nông nghiệp không phát thải (Agriculture – Inductry zero emission system: AIZES) bao gồm các thành phần như Vườn – Chuồng – Biogas – Nhà – Trạm (VCBNT) cho vườn xoài và chuồng nuôi heo nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra sinh kế bền vững cho người dân ở vùng nông thôn khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Kết quả thực nghiệm cho thấy toàn bộ chất thải phát sinh từ mô hình (vườn cây – chuồng nuôi heo) được tuần hoàn và tái sử dụng lại, giảm phát thải ra mô trường một cách tối ưu nhất. Trong mô hình này, các thành phần sinh học (B: composting và Biogas) đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển hoá các chất thải hữu cơ thải ra môi trường thành những sản phẩm giá trị hữu ích phục vụ lại mô hình, nhằm hạn chế tối đa các nguồn thải phát thải vào môi trường. Đối với thành phần T (T: trạm/hệ thống xử lý nước thải bằng Biochar) trong mô hình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý nước thải sau biogas đạt chuẩn và tái sử dụng vào việc tưới tiêu cho vườn cây, các thành phần còn lại có vai trò đóng góp các chất thải vào mô hình để mô hình được vận hành tối ưu nhất (V: cung cấp lá cây, cành gãy để đốt tạo thành Biochar,…). Khi áp dụng mô hình AIZES tạo sinh kế bền vững và góp phần tăng thêm thu nhập cho hộ là 77.100.000 đồng sau 1 năm áp dụng và đi vào vận hành ổn định.