Tiềm năng áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vì mục tiêu phát triển bền vững cho khu vực nông thôn ở Việt Nam
Hiện nay, xu hướng của thế giới là tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là những nước không có nhiều tài nguyên như Nhật Bản, Đức,…đây cũng được xem là những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng KTTH. Tại những quốc gia này, không có thứ gì bị vứt bỏ đi, kể cả chất thải cũng được tận dụng tuyệt đối và được xem là một dạng tài nguyên. Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng của thế giới, vì vậy KTTH là một điều tất yếu mà nước ta cần được áp dụng rộng rãi.
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), được quy định tại Điều 142 (quy định về KTTH) đặt trong Chương về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 chính là một bước tiến rất lớn, góp phần đẩy nhanh việc phát triển KTTH tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chính sách của Nhà nước về BVMT khẳng định “Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án và dự án phát triển KT-XH” (khoản 11 Điều 5 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020).
Mặc dù vậy, nước ta gặp nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển nền KTTH, mà ở đó thách thức lớn nhất là làm thay đổi nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về mô hình, giá trị và lợi ích của KTTH. Vì vậy, để thuyết phục người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực thi KTTH sẽ cần các minh chứng cụ thể về hiệu quả tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm thiểu chất thải phát sinh, tạo ra các giá trị kinh tế cao hơn so với trước. Đồng thời, Nhà nước cần tạo ra những mô hình sản xuất áp dụng KTTH có giá thành rẻ, dễ áp dụng,… giúp các doanh nghiệp và hộ dân học tập, hưởng ứng. Bên cạnh đó, dựa trên việc thừa hưởng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nước ta đang có nhiều lợi thế trong phát triển KTTH, đặc biệt trong lĩnh việc công – nông nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn được phát triển từ tiềm năng sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp (từ tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả,..), tận dụng các nguồn chất thải, các mô hình kinh doanh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hàng năm, trong sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường một lượng lớn phế phẩm, một số phế phẩm được tuần hoàn làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm có giá trị, mang lại lợi ích về kinh tế – môi trường, cụ thể như sau:
- Phế phẩm ngành lúa gạo (rơm rạ, vỏ trấu, cám) được tận dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm, đệm lót sinh học,…
- Phế phẩm trong ngành tôm (vỏ tôm, đầu tôm, nước thải, bùn thải) được tận dụng làm chất chiết xuất (Chitosan, Peptide), thực phẩm (dầu tôm, bột tôm), thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng tái tạo,…
- Phế phẩm trong ngành cá tra (đầu, da, mỡ, xương, nước thải, bùn thải) được tận dụng làm chất chiết xuất (Collagen, Galatin, enzyme), phân bón, dầu cá, thức ăn chăn nuôi, năng lượng nhân tạo,…
- Phế phẩm trong ngành cây ăn trái (vỏ, cùi, hạt, phần thức ăn thừa trong chế biến, lá và thân cây) được tận dụng làm phân bón, than sinh học, dược phẩm, thực phẩm,…
- Phế phẩm trong ngành chăn nuôi (phân thải, máu, xương) được tận dụng làm năng lượng tái tạo, phân bón,….
Hình 1 – Một số sản phẩm được sản xuất từ tận dụng phế phẩm nông nghiệp
Trong những năm qua, Nhóm nghiên cứu về Hệ thống và Kỹ thuật không phát thải (Zero emission techniques and system – ZETS) (website: https://zets.vn) do GS.TS. Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP.HCM – Trưởng nhóm, đã chuyển giao nhiều mô hình KTTH tại các khu và cụm dân cư tập trung, các làng nghề, các khu vực chăn nuôi tập trung, các khu vực nhiễm mặn, phèn, khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu,… tại vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Các mô hình KTTH được Nhóm nghiên cứu không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tận dụng được chất thải, có phân bón để trồng cây, đốt biochar cải tạo đất, có khí gas để nấu ăn,… tạo thêm việc làm lúc nông nhàn, giúp hộ dân có thể tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi tháng. Đối với các nhà máy sản xuất công nghiệp, việc áp dụng sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng (nền tảng của KTTH trong sản xuất công nghiệp) không những giúp các nhà máy xử lý chất thải bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra lợi nhuận gia tăng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng một năm. Đây là những minh chứng rất rõ ràng và hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, hộ dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn thực hiện các mô hình KTTH.
Tại buổi Hội thảo “kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vì mục tiêu phát triển bển vững” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 22/6/2022, GS.TS. Lê Thanh Hải – Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP.HCM đã trình bày báo cáo tham luận về “Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu vực nông thôn tỉnh Đồng Tháp”.
Hình 2 – GS.TS. Lê Thanh Hải trình bày báo cáo tham luận “Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cho mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu vực nông thôn tỉnh Đồng Tháp”
Theo đó, Đồng Tháp – với lợi thế về phát triển nông nghiệp, có rất nhiều tiềm năng phát triển nền KTTH và việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu vực nông thôn là điều hoàn toàn khả thi, mang tính thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao. Thực tế, tỉnh Đồng Tháp bước đầu tiếp cận với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đó là các mô hình vườn – ao – chuồng, vườn – rừng – ao – chuồng, thu hồi khí gas từ chất thải chăn nuôi, thu hồi bùn ao cá tra sản xuất phân hữu cơ, mô hình trồng rau nuôi cá tuần hoàn Aquaponics, các mô hình sản xuất sạch hơn trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, các mô hình như thu gom tái chế sắt vụn, tái chế giấy,… đã bước đầu góp phần hình thành nên nền KTTH cho tỉnh Đồng Tháp.
Hình 3 – GS.TS. Lê Thanh Hải trả lời những câu hỏi về việc áp dụng KTTH cho điều kiện tỉnh Đồng Tháp
Đồng thời, tại Hội thảo, GS.TS. Lê Thanh Hải khẳng định “việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hợp lý, phù hợp với điều kiện sản xuất, môi trường và biến đổi khí hậu của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là cách tiếp cận khá mới đối với người dân khu vực nông thôn vì vậy cần gắn với mục tiêu phát triển bền vững, áp dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hỗ trợ của Sở/ngành địa phương”.
Hình 4 – Toàn thể Hội thảo
Theo http://www.hcmier.edu.vn/vn/chi-tiet/tiem-nang-ap-dung-kinh-te-tuan-hoan-kinh-te-xanh-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cho-khu-vuc-nong-thon-o-viet-nam-21135-2-6